NÔNG THÔN MỚI
Huyện nhà phát triển ngành kinh tế nông nghiệp đa giá trị
01/03/2023 02:22:49

Huyện nhà phát triển ngành kinh tế nông nghiệp đa giá trị

Phát huy lợi thế sẵn có, huyện nhà đã xây dựng mô hình nông nghiệp đặc trưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Đồng thời, hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, dựa trên tiềm năng lợi thế riêng, khác biệt về lĩnh vực nông nghiệp.

Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, huyện nhà đã đi đầu trong tỉnh về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, được đầu tư cả về quy mô và diện tích. Huyện có 6 vùng sản xuất hữu cơ với tổng diện tích 238 ha. Diện tích nhà màng, nhà lưới đạt 13.800 m2. Huyện đã xây dựng được 160 vùng lúa tập trung, 65 vùng chuyên canh rau màu; 66 vùng sản xuất thủy sản tập trung với diện tích 1.300 ha và có trên 200 ha ao nổi. Trên địa bàn huyện có 8 xã dọc triền đê sông Thái Bình và sông Luộc đang canh tác rươi, cáy kết hợp trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Chăn nuôi gia cầm của huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh… Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đến nay, huyện đã có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao; 137ha lúa, chuối, cây ăn quả, rau tại An Thanh được chứng nhận hữu cơ, sản lượng 1.182 tấn/năm; trên 20 ha rau quả được chứng nhận VietGAP, 10 ha chuối thâm canh cao được chứng nhận GlobalGAP, trên 100ha sản xuất thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, địa phương đang đầu tư phát triển chuối tiêu hồng, định hướng xuất khẩu. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện có khoảng 700 ha chuối được trồng ở 10 xã như Hà Thanh, An Thanh, Đại Sơn, Chí Minh, Phượng Kỳ, Tiên Động, Nguyên Giáp. Huyện có 137 ha trồng chuối ngoài bãi ở xã An Thanh đạt chứng nhận hữu cơ và 10 ha ở xã Hà Thanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thời gian đầu, một số hộ trồng tự phát, tới nay nông dân trong huyện đã trồng chuối chuyên nghiệp, quy mô lớn ở nhiều nơi. Việc trồng loại cây này không mất quá nhiều công sức, lại cho thu hoạch ngay trong năm đầu nên diện tích trồng chuối ngày càng được mở rộng.

Toàn huyện hiện có trên 9.200 ha đất nông nghiệp, chiếm 55% tổng diện tích đất tự nhiên, 296 ha liên vùng nuôi trồng thủy sản đang được hoàn thiện để trình UBND tỉnh Hải Dương công nhận vùng thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định 66/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn/năm; trong đó, lúa đạt 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn; cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm

Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 mà UBND huyện triển khai, huyện nhà sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Phát triển nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, tạo nhiều giá trị khác biệt hướng đến xuất khẩu. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2025, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2%; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 180 triệu đồng; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 1,5 lần so với trước; bước đầu hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, phát triển đa dạng các loại hình ngành nghề, thu hút nhiều lao động, du lịch nông thôn. Đến năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND huyện yêu cầu các địa phương xác định rõ vị trí, quy mô diện tích đất để phục vụ sản xuất cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đối với những diện tích lúa và diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao cần phải bảo vệ nghiêm ngặt thì phải được quản lý bằng bản đồ số. Xác định, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện ở những địa phương có lợi thế để thu hút đầu tư; hỗ trợ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu, tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bổ sung cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế… hỗ trợ các tổ chức kinh tế tư nhân xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến, làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân. Bên cạnh đó, huyện ưu tiên đầu tư công để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung, đê điều, phòng chống lụt bão; lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; giám sát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ đầu tư bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyên truyền nhân dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trần Yến
Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 09 đã giải quyết:
99.9%
Số hồ sơ xử lý: 1512
Trước & đúng hạn: 1511
Trễ hạn: 1
Tỉ lệ trễ hạn: 0.1%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:28/09/2023 11:16:25)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ VĂN TỐ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: ông Nguyễn Trọng Khuyến - Chủ tịch UBND xã Văn Tố

Địa chỉ: Văn Tố - Tứ Kỳ - Hải Dương

Điện thoại: 02202747155

Đang truy cập: 3
Hôm nay: 10
Tháng này: 7,159
Tất cả: 69,940