VĂN HÓA-XÃ HỘI
Nỗ lực xóa ruộng hoang
21/07/2023 02:37:17

Nỗ lực xóa ruộng hoang


Trong khi một số nơi nông dân bỏ ruộng hoang thì lại có nhiều gia đình trong huyện mạnh dạn gom đất ruộng, sản xuất lúa tập trung hướng tới sản xuất lúa hàng hóa đã góp phần giải quyết bài toán xóa ruộng hoang, đồng thời phát triển kinh tế địa phương.

Gần chục mẫu ruộng bỏ hoang ở thôn An Phòng Giang, xã Quang Phục nay đã phủ một màu xanh mỡ màng của lúa. Anh Đỗ Văn Nguyên, ở thôn An Phòng Giang, xã Quang Phục đã mạnh dạn nhận toàn bộ diện tích ruộng bỏ hoang này để canh tác cho biết: Cánh đồng này xa khu dân cư, đường đi cách trở, canh tác khó khăn, lại thường xuyên bị chuột phá hại nên nhiều nông dân bỏ ruộng. Năm đó, số người trong xã vào làm việc trong các công ty ngày một nhiều. Đến ngày mùa, nhiều nhà muốn thuê người gặt, người cấy cũng khó nên anh quyết định dồn vốn và vay thêm ngân hàng để mua máy cày, máy gặt đập liên hợp với giá trên 600 triệu đồng để đi cày thuê, gặt thuê. Trong lúc đi cày thuê, gặt thuê trên cánh đồng thôn An Phòng Giang thấy nhiều ruộng bỏ hoang cỏ mọc um tùm, anh đã xin được khai hoang để cấy. Lúc đầu anh chỉ nhận hơn 5 mẫu ruộng bỏ hoang để canh tác.

Từ 5 mẫu ruộng đến nay, anh Nguyên đã "đánh thức" hơn 10 mẫu ruộng hoang trên cánh đồng thôn An Phòng Giang, xã Quang Phục. Anh hiện cũng sở hữu 1 máy cày lớn, 1 máy gặt và 1 máy cấy. Vụ chiêm năm 2023, với hơn 10 mẫu ruộng sau khi trừ chi phí, gia đình anh Nguyên thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi vụ gia đình anh cũng thu lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng từ 2 chiếc máy gặt, máy cày.

Xã Quang Phục hiện có hơn 200 ha đất canh tác lúa, nhưng đa phần trũng thấp, khó đi lại canh tác. Trước đây, việc người dân bỏ ruộng hoang đi làm công nhân trở nên phổ biến vì sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả. Trước thực tế đó, xã đã có những giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng ruộng hoang.

Xác định xóa ruộng hoang là một nhiệm vụ trọng tâm nên cấp ủy, chính quyền xã Quang Phục đã chủ động nắm bắt nguyện vọng của người dân để đưa ra các biện pháp khả thi. Một trong những biện pháp đó là giao nhiệm vụ cho các đoàn thể chính trị - xã hội vận động người dân tiếp tục canh tác. Đối với những hộ không còn nhu cầu sử dụng thì sẽ giao cho các hộ khác thuê ruộng. Với những chân ruộng có khả năng gieo cấy, xã khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa cho giá trị kinh tế cao. Với những khu vực chua trũng, khó cải tạo thì chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Với nhiều biện pháp hiệu quả, đến nay, diện tích ruộng bỏ hoang ở xã Quang Phục giảm mạnh, mỗi vụ chỉ còn 4-5 ha. Đặc biệt, có nhiều cá nhân đi gom những thửa ruộng để cấy, mỗi hộ nhận từ 3-10 mẫu canh tác.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ chiêm xuân năm 2023 vừa qua, tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp trên địa bàn huyện giảm mạnh. Để có được kết quả đó, khi có dấu hiệu nông dân bỏ ruộng hoang, huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích tực tìm giải pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và tăng cường liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Gần đây, huyện cũng nghiên cứu nhiều phương án để hoàn thiện chuỗi sản xuất, quảng bá thương hiệu giúp gia tăng giá trị kinh tế cho các nông sản chủ lực của huyện. Mặc dù đất đai phân tán song huyện đẩy mạnh việc quy vùng, tập trung khai thác thế mạnh theo từng khu vực. Huyện đã quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với khai thác rươi, cáy, các vùng chuyên canh rau màu, xây dựng liên vùng nuôi trồng thủy sản tập trung... Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: "Khi hiệu quả kinh tế nâng cao, người dân thấy được lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp mang lại thì cũng không còn tình trạng lãng phí đất đai. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nhận ruộng hoang để canh tác không chỉ giúp mảnh đất đồi hồi sinh mà còn giúp nhiều người thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất chuyên nghiệp".

Thực tế cho thấy, khi sản xuất tập trung, hộ dân nào có nhân lực, tích cực áp dụng cơ giới hóa thì sản xuất lúa vẫn cho lợi nhuận khá. Về lâu dài, việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để nông dân gắn bó với đồng ruộng, không bỏ hoang đất.

Trần Yến
Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 12 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 1844
Trước & đúng hạn: 1843
Trễ hạn: 1
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:02/12/2023 14:39:45)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ VĂN TỐ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: ông Nguyễn Trọng Khuyến - Chủ tịch UBND xã Văn Tố

Địa chỉ: Văn Tố - Tứ Kỳ - Hải Dương

Điện thoại: 02202747155

Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0